Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_Cái_Vòng_(1943)

Kết quả

Hơn 140.000 quân Đức đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Hơn 10.000 người bị thương, bị ốm và một số nhỏ lành lặn đã được đưa ra khỏi vòng vây. Số tù binh mà quân đội Liên Xô bắt được trong trận này lên đến 91.000 người, bao gồm cả 3.000 lính Romania trong bộ phận còn lại của sư đoàn bộ binh số 20, sư đoàn kỵ binh số 1 và Cụm tác chiến "Đại tá Voicu".[33] 22 sư đoàn Đức và Romania bị đánh tan. Ngoài số tù binh Đức và đồng minh Đức đông nhất kể từ ngày bắt đầu Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, quân đội Liên Xô đã phá hủy và thu giữ 5.762 khẩu pháo, 1.312 súng cối, 12.701 súng máy, 80.438 tiểu liên, 156.987 súng trường, 10.722 ô tô, 744 máy bay, 1.666 xe tăng, 261 xe bọc thép, 10.679 mô tô, 240 máy kéo, 571 xe half-track, 3 đoàn tàu hỏa bọc thép và nhiều thiết bị quân sự khác. Những thiệt hại nói trên chưa từng xảy ra đối với nước Đức Quốc xã kể từ ngày đầu chiến tranh thế giới thứ hai. Uy tín về tính bách chiến, bách thắng của quân đội Đức Quốc xã bị tổn hại nghiêm trọng.[8] Tổn thất của quân đội Liên Xô cũng không phải là nhỏ. Tuy nhiên, mức tổn thất là chấp nhận được nếu đối chiếu với quy mô của chiến dịch và đương nhiên còn xa mới có thể sánh được với tổn thất của quân đội Đức. Trong toàn bộ giai đoạn cuối của chiến dịch từ ngày 10 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2 năm 1943, Phương diện quân Sông Đông đã chịu thương vong 47.926 người, trong đó 11.752 người chết, 34.364 người bị thương, 245 người mất tích, 1.565 người thương vong vì các nguyên nhân phi chiến sự. 12 trung đoàn và lữ đoàn xe tăng của các tập đoàn quân 62, 65 và 66 chỉ còn lại 78 xe tăng gồm 35 chiếc T-34, 27 chiếc KV, 3 chiếc T-60, 5 chiếc T-70 và 8 chiếc Mk-IV (xe tăng Hoa Kỳ).[8]

Đánh giá

Tướng Walter Schellenberg, Cục trưởng Cục 6 của Cơ quan an ninh Đức Quốc xã, là một trong số ít người thuộc hàng ngũ các sĩ quan cao cấp Đức nhận thức được nguy cơ đối với nước Đức ngay từ khi trận chiến tại Stalingrad chưa ngã ngũ:

Chúng tôi đang mê mẩn, đắm đuối trong đám sương mù thắng lợi! Các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Quốc xã tưởng chiến thắng đã ở trong tầm tay. Nhưng tôi lại cảm thấy đang có một bước ngoặt lịch sử và hiểu ra rằng "thắng lợi hoàn toàn" hay là "thắng lợi cuối cùng" là điều không thể có
— Walter Schellenberg, [34]

Sức mạnh tấn công của quân đội Liên Xô có thể là điều bất ngờ đối với Paulus như lời khai của ông ta khi nằm trong trại tù binh, có thể bất ngờ với chính Hitler khi ông ta cho rằng sau những tổn thất to lớn trong Chiến dịch Blau hồi mùa hè, quân đội Liên Xô đã không còn có thể gượng dậy được nữa. Thế nhưng đối với viên tướng xe tăng dày dạn trận mạc Heinz Guderian, quân Đức có thể sẽ không bị bất ngờ nếu tỉnh táo hơn trong tư duy chiến lược. Guderian vạch rõ rằng điều nguy hiểm có thể xảy đến khi các tướng lĩnh chỉ huy các binh đoàn xe tăng đặt niềm tin kỳ quặc của họ vào sự nhạy cảm về quân sự của Hitler. Trong đó, quyết định dừng sản xuất các loại xe tăng cũ (T-III, T-IV) trong khi việc sản xuất các loại xe tăng "Con hổ" và "Con báo" còn chưa thật sự sẵn sàng, mới đạt sản lượng 25 chiếc/tháng vào cuối tháng 9 năm 1942 là một quyết định sai lầm nguy hiểm, gây nên sự thiếu hụt xe tăng nghiêm trọng trên mặt trận Xô-Đức vào đúng thời điểm cần đến xe tăng nhất.[35] Đánh giá về cuộc bại trận của quân Đức tại Stalingrad, Heinz Guderian cho rằng thảm họa tầm cỡ quốc gia này gây nên nhưng tổn thất vô cùng nặng nề đối với nước Đức và những đồng minh của nó. Những đồng minh này đã tỏ rõ sự yếu kém đến mức không thể tin tưởng được họ khi giao phó tuyến phòng ngự tối quan trọng hai bên sườn Tập đoàn quân 6 vào tay họ và do đó, đã dẫn dến thảm họa này.[35]

Thống chế Erich von Manstein cho rằng thất bại tại Stalingrad có nguyên nhân sâu xa từ những sai lầm trong việc triển khai Chiến dịch BlauChiến dịch Hoa nhung tuyết. Trước hết đó là việc chia sẻ lực lượng của Cụm tập đoàn quân Nam cho Cụm tập đoàn quân A triển khai ở một chiến trường tuy có hứa hẹn về kinh tế nhưng lại rất khó khăn về quân sự. Và trên thực tế là cả một tập đoàn quân xe tăng (Tập đoàn quân xe tăng 1) đã bị mắc kẹt trong các dãy núi ở Bắc Kavkaz và thảo nguyên Kuban rộng lớn. Trong khi tuyến mặt trận đã trải dài đến trên 1.200 km thì người ta (chỉ Hitler) lại không xác định được hướng nào là hướng cần được ưu tiên. Hai cụm tập đoàn quân tác chiến trên hai mặt trận đã hoàn toàn tách rời nhau và không thể yểm hộ cho nhau từ bên sườn.[36] Manstein cũng chỉ ra rằng tình báo Đức đã không phát hiện ra một khối quân khổng lồ từ hậu phương Liên Xô đã di chuyển đến hai bên sườn tập đoàn quân 6. Ông nhận xét rằng người Nga đã giữ kín các cuộc chuyển quân của họ và chắc chắn rằng họ không ngu si đến mức khua chiêng gióng trống về cuộc tấn công sắp tới. Và kết quả là Tập đoàn quân 6 (Đức) không hề được biết đến nguy cơ đang treo lơ lửng trên đầu họ.[36]

Trong khi đó một số nhà sử học của nước Đức, có cả những người đã từng chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Đức Quốc xã lại đánh giá nguyên nhân thất bại của quân Đức tại trận Stalingrad mà Chiến dịch Cái Vòng là đoạn kết với đầy đủ tính bi tráng của nó một cách tổng thể các khía cạnh chính trị, quân sự, lịch sử. Joachim Wieder là một người như vậy. Ông nhận xét:

Trận đánh Stalingrad đi qua đã 20 năm. Với khoảng thời gian đó, đã có thể xác định được tầm cỡ lịch sử thế giới của trận đánh này... Đó không chỉ là chiến thắng tổng lực như một trận "Cane" thời hiện đại của quân đội Xô Viết đối với một đối thủ xứng tầm là quân đội Đức Quốc xã; đó còn là một đòn nặng nề giáng vào những kế hoạch đầy ảo tưởng, phản ánh ảo vọng chinh phục của chủ nghĩa phát xít với học thuyết chủng tộc Aryan thượng đẳng quái dị. Ở Trận Stalingrad, người Xô Viết đã đánh thức những năng lực chưa từng có và huy động hết sức mạnh của họ. Quân đội Đức thua trận không chỉ vì ưu thế về binh lực và vũ khí của đối phương mà còn vì mục đích cuộc đấu tranh của người dân Xô Viết nhằm bảo vệ tổ quốc họ trước sự xâm lược của ngoại bang. Với lòng yêu nước nhiệt thành, họ đã đưa đến thảm bại cho quân Đức trên sông Volga và trận đánh này đã trở thành nhân tố quyết định đối với tình hình chính trị thế giới... Nếu chúng ta biết rút ra những bài học thích hợp từ các sự kiện ở Stalingrad, để rồi từ đó tiếp tục đứng lên và phát triển thì những hy sinh và đau khổ của các bậc tiền bối mới đem lại lợi ích cho hậu thế.
— Joachim Wieder, [37]

Hans Doerr cho rằng những hành động chiến tranh, cho dù kết quả có thể là chiến thắng hay thất bại, có thể là bảo toàn mạng sống hay là cái chết đi nữa thì Tập đoàn quân 6 (Đức) đã trở thành nạn nhân vô vọng của trò chơi chiến tranh. Lịch sử không cho phép bất kỳ một ai có quyền hy sinh mạng sống của binh sĩ khi họ không còn khả năng tiếp tục cuộc chiến. Thế nhưng, có một người đã tự cho mình cái vai trò quan tòa đứng cao hơn lịch sử, đã coi Tập đoàn quân 6 dường như không tồn tại; người đó đã phung phí mạng sống của hơn 200.000 con người là đồng bào của ông ta mà không hề có lấy một chút cảm thông; người đó là Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang của nước Đức Quốc xã: Adolf Hitler. Vì vậy mà cho đến ngày nay, cho dù đó là bước ngoặt của Chiến tranh thế giới thứ hai thì trận Stalingrad vẫn là nỗi xót xa của nhân dân Đức. Đối với họ, trận Stalingrad mãi mãi đi vào lịch sử nước Đức như một sai lầm kinh khủng được gây ra bởi một nhà quân sự độc tài nắm trọn quyền điều hành nhà nước với một sự khinh rẻ mạng người đến mức bệnh hoạn của ông ta.[38]

Ảnh hưởng

Về quân sự

Ảnh hưởng trực tiếp rõ rệt nhất của đối quân đội Đức Quốc xã là về quân sự. Mặc dù quân số bị tiêu diệt và bị bắt tại Chiến dịch Cái Vòng chiếm không quá 6% tổng quân số của các binh đoàn Đức trên mặt trận Xô-Đức nhưng đó là những đơn vị thiện chiến đã dày dạn trận mạc trên chiến trường châu Âu và Liên Xô. Trong đó, đáng kể nhất là Tập đoàn quân 6 (Đức) đã từng có lịch sử xây dựng từ chiến tranh thế giới thứ nhất và là một trong các tập đoàn quân chủ lực của nước Đức trên mặt trận phía Đông. Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) bị mất Quân đoàn xe tăng 14 là đơn vị có bề dày kinh nghiệm chiến đấu ở Liên Xô, đã từng tham gia đội hình của 4 Cụm tập đoàn quân: Bắc, Trung tâm, B và Sông Đông.

Điều nguy hiểm nhất đối với quân đội Đức Quốc xã là trên mặt trận miền Nam Liên Xô đã xuất hiện một khoảng trống dài hơn 300 km từ Millerovo qua Sakhtinsk đến Rostov chỉ còn một số đơn vị mỏng yếu phòng ngự trong khi họ không còn nắm được thế chủ động chiến lược. Nguy cơ bị cô lập của Cụm tập đoàn đoàn quân A tại Bắc Kavkaz ngày một nặng nề hơn. Bộ Tổng tham mưu Đức đã phải rút sớm Tập đoàn quân xe tăng 1 khỏi Bắc Kavkaz, dự định lập một lá chắn xe tăng ở phía Bắc Rostov để ngăn chặn nguy cơ này. Ngay từ tháng 1 năm 1943, quân đội Liên Xô đã phát huy thắng lợi của Chiến dịch Sao Thổ và Chiến dịch Cái Vòng cũng như Chiến dịch Bão Mùa đông. Nắm quyền chủ động chiến lược trong tay, họ đã mở một cuộc tổng tấn công rộng khắp từ thượng lưu đến hạ lưu Sông Đông và vùng Bắc Kavkaz với một loạt các chiến dịch cùng lúc đánh vào ba cụm tập đoàn quân Đức trên cánh Nam của mặt trận Xô-Đức.[39]

Về chính trị

Tại Hội nghị Tehran (1943), lễ trao tặng thanh gươm báu hiệp sĩ của Hoàng gia Anh tặng nhân dân Liên Xô để ghi nhận chiến thắng Stalingrad được cử hành trọng thể

Những gì xảy ra tại Stalingrad thực sự là một thảm họa đối với nước Đức. Lịch sử nước Đức chưa từng có sự đầu hàng của một đạo quân lớn như thế trên một mặt trận rộng như thế. Thảm họa quốc gia này gây nên những tổn thất lo lớn và có thể coi là một trong những thất bại nặng nề nhất đối với quân đội Đức Quốc xã. Các đồng minh của nước Đức với lực lượng yếu hơn đã không thể bảo vệ được hai bên sườn của Tập đoàn quân 6. Tất cả điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Nhuệ khí của quân đội và tinh thần của người dân Đức đã giảm sút đáng kể. Do thất bại quân sự này của nước Đức mà cục diện quan hệ quốc tế cũng có những thay đổi rất nhanh. Các cường quốc phương Tây đã đổ bộ lên Bắc Phi và tại đây, họ cũng đạt được những kết quả to lớn. Việc hoạch định các hoạt động quân sự đã trở thành chương trình nghị sự trong cuộc gặp giữa Churchill và Roosevelt từ ngày 14 đến ngày 24 tháng 1 năm 1943 ở Casablanca cũng như Hội nghị Teheran mấy tháng sau đó.[40]

Kết quả Trận Stalingrad mà Chiến dịch Cái Vòng đã đánh dấu chấm hết cho trận đánh ấy có một tác động ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người dân Đức khi đó. Khi tang tóc đổ lên đầu hàng chục vạn gia đình người Đức, trong tâm trí người dân lúc đó và cho đến tất cả những người sống sót sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thảm kịch mang tên của thành phố trên sông Volga này như dường như một điềm gở báo trước một thảm họa cho họ với những âm hưởng kéo dài. Tia sét của sự sụp đổ tại Stalingrad đã chiếu một luồng ánh sáng mới vào bản chất chính trị, đạo đức và nền quân sự của chế độ Quốc xã. Nó làm bộc lộ bản chất vốn có của hệ thống chính trị kỳ quái mang tên "chủ nghĩa Hitler". Trong hệ thống này, những huyền thoại và truyền thuyết về sứ mệnh của một chủng tộc thượng đẳng và lãnh tụ của họ đã dẫn dắt dân tộc Đức đến một sự tự sát mù quáng.[41]

Trên trường quốc tế, kết quả của Chiến dịch Cái Vòng được công bố rộng rãi đã củng cố vị thế của Liên Xô trong khối đồng minh chống phát xít. Nếu như chiến thắng của người Nga tại Poltava năm 1709 đánh dấu sự gia nhập của họ vào hệ thống quyền lực ở châu Âu thì Trận Stalingrad đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình biến Liên Xô trở thành một trong hai cường quốc đứng đầu thế giới ở giai đoạn giữa thế kỷ 20.[37]

Một năm sau ngày khởi đầu Trận Stalingrad, trong ngày khai mạc Hội nghị tam cường đồng minh Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh tại Teheran, ngày 29 tháng 11 năm 1943, Thủ tướng Winston Churchill thừa ủy quyền của nhà vua nước Anh đã trao tặng đoàn đại biểu Liên Xô thanh kiếm báu của Hoàng gia Anh quốc có khắc dòng chữ:

Quà tặng của Vua George VI để tỏ lòng tôn vinh của người dân Anh quốc đối với những chiến sĩ trung thành đã bảo vệ Stalingrad.
— 

Tại hội nghị này, các vấn đề về mở mặt trận thứ hai của Đồng minh được bàn thảo. Dự kiến mở mặt trận này tại bán đảo Balkan của thủ tướng Anh Winston Churchill đã bị phía Liên Xô bác bỏ. Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt ủng hộ Liên Xô về việc chuyển địa điểm đổ bộ đến Tây Bắc nước Pháp. Mặc dù biết rằng làm như thế thì toàn bộ vùng Đông và Trung Âu sẽ nằm dưới ảnh hưởng của người Nga nhưng Churchill vẫn phải chấp thuận vì phía Hoa Kỳ cũng không mặn mà lắm với phương án của Anh. Họ chú ý đến ảnh hưởng của mình đối với nước Pháp, nước Đức, nước Ý và toàn bộ Tây Âu hơn là vùng Đông Âu kém phát triển. Anthony Beevor cho rằng trận Stalingrad đánh dấu việc Liên Xô bắt đầu trở thành một siêu cường quốc.[42] Trên dư luận quốc tế, nhiều nhà thơ, nhà điêu khắc, nhà văn đã dành nhiều công trình của họ để sáng tác riêng cho Stalingrad. Nhà thơ Chi Lê Pablo Neruda đã làm bài thơ "Khúc trữ tình cho Stalingrad" để ca ngợi chiến thắng này. Thế giới đánh giá cao những người bảo vệ thành phố Stalingrad đã đem lại niềm hi vọng cho nhân loại.[42]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Cái_Vòng_(1943) http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/K... http://www.columbia.edu/~lnp3/mydocs/culture/Battl... //www.worldcat.org/oclc/154155228 http://www.worldwar2.ro/operatii/index.php?article... http://militera.lib.ru/h/beevor/20.html http://militera.lib.ru/h/beevor/25.html http://militera.lib.ru/h/doerr_h/04.html http://militera.lib.ru/h/doerr_h/07.html http://militera.lib.ru/h/doerr_h/08.html http://militera.lib.ru/h/doerr_h/09.html